Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Y như với ngành Sư phạm, trong bối cảnh thiếu nhân lực.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh và tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia. |
Mới đây, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên ngành y trong thời gian học tập tại trường giống như với ngành sư phạm. Đây là một trong 8 đề xuất với Chính phủ, được nêu trong báo cáo tại hội nghị triển khai công tác Y tế năm 2025 của Bộ Y tế, ngày 24/12.
Hiện nay, sinh viên sư phạm đang được Nhà nước hỗ trợ 100% học phí và 3,63 triệu đồng mỗi tháng để chi trả phí sinh hoạt. Tuy nhiên, sinh viên phải bồi hoàn nếu làm trong ngành không đủ thời gian (6-8 năm), chuyển sang ngành khác, bỏ học, không hoàn thành chương trình hoặc bị buộc thôi học.
Hiện, học phí ngành Y, Dược khoảng 27-200 triệu đồng một năm, tùy trường. Riêng các trường công tự chủ, mức cao nhất là hơn 88 triệu đồng, thuộc về ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt của Đại học Y Dược TP HCṂ (trừ chương trình liên kết quốc tế).
Theo báo cáo, cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, gồm 66 trường đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu (đào tạo tiến sĩ). Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện. Số bác sĩ tốt nghiệp năm ngoái trong toàn quốc là gần 11.300, dược sĩ gần 8.500; điều dưỡng khoảng 18.200.
Trước đề xuất này, PGS.TS Phạm Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, ủng hộ bởi thực tế thi vào ngành y đã khó, thời gian học lại dài, mức học phí cao đã trở thành rào cản đối với nhiều sinh viên muốn theo đuổi ngành y.
“Ngoài việc học kéo dài, sinh viên y còn phải đi thực hành ở bệnh viện vô cùng vất vả. Sau khi ra trường, các em cần tiếp tục thực hành nghề nghiệp 12 tháng, học thêm ít nhất 18 - 24 tháng mới có thể hành nghề. Như vậy, ngành y từ lúc vào trường đến khi có thể hành nghề mất khoảng 8 - 9 năm. Do đó, nhiều em gia đình khó khăn muốn theo đuổi nghề y cũng không thể theo được”, PGS Mạnh nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định, cho hay ngành y vốn đặc thù, có khối lượng học tập nặng và chi phí đào tạo tốn kém vì phải đầu tư máy móc, thiết bị, mẫu thực hành và chi phí đi lâm sàng tại bệnh viện. “Rõ ràng, học phí sinh viên bỏ ra để học được nghề này cực kỳ tốn kém. Chưa kể một số lĩnh vực trong ngành y kém hấp dẫn như tâm thân, phong, lao... khiến sinh viên không mấy mặn mà. Nếu không có sự hỗ trợ về học phí, sinh viên sẽ không theo học những ngành này. Càng về sau, ngành y tế sẽ càng thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực ấy”, PGS.TS Lê Thanh Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM lại nhìn nhận, dù chủ trương đề xuất miễn học phí rất nhân văn, giúp giảm áp lực cho người học và thu hút nhân tài vào lĩnh vực y khoa, nhưng thực tế lại không khả thi.
Theo ông, hiện nay tất cả các quốc gia đều theo xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa, giảm chi phí của Nhà nước. Trong khi đó, ngành y có khối lượng đào tạo lớn nhất nhì hiện nay và chi phí đào tạo khá đắt đỏ. Nếu không có đóng góp từ nguồn lực xã hội sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho ngân sách. Trong khi Nhà nước vẫn còn nhiều vai trò khác như chăm lo sức khỏe người dân, chăm lo sự nghiệp học hành, phát triển kinh tế...
Chưa kể theo ông, việc miễn học phí đối với ngành y cũng không công bằng với các ngành nghề khác, chẳng hạn kỹ sư công nghệ thông tin, cơ khí, nông nghiệp... đều thiếu nhân lực và quan trọng cho sự phát triển của xã hội nhưng lại không được miễn học phí.
Mặt khác khi thực hiện miễn học phí, nếu không có chế tài cụ thể, rất khó gắn liền quyền lợi với trách nhiệm của người học, chẳng hạn sinh viên ra trường không làm đúng ngành. “Điều đó vô cùng lãng phí, chi bằng dùng khoản kinh phí ấy để trả cho những nhân viên y tế tích cực hoặc những bác sĩ trẻ để giúp họ có mức thu nhập tốt hơn”, ông nói.
Xem thêm: |
WY