Bên cạnh những ngành nghề được nhiều thí sinh quan tâm như Công nghệ thông tin, Kinh tế... thì vẫn có những ngành chưa được nhiều người biết tới cũng như lựa chọn theo học. Dưới đây là những ngành nghề ít được sinh viên lựa chọn và quan tâm dù có những ngành, cơ hội việc làm khá rộng mở.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh và tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia. |
Tôn giáo học là là ngành học nghiên cứu chuyên sâu những vấn đề về tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và trên thế giới, làm cơ sở lý luận cho nhiều ngành khác. Trên thế giới, Tôn giáo học không phải là ngành học mới và đã có nhiều trường đại học đào tạo như ở châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... Tuy nhiên, hiện tại, ở Việt Nam chỉ có 2 cơ sở giáo dục đại học đào tạo cử nhân chính quy ngành học này là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này gây khó khăn cho nhiều sinh viên trong sự lựa chọn ngành học.
Một số thí sinh nghĩ rằng học ngành này để đi tu cũng như nghe tên ngành lạ nên chưa dám đăng ký. Đa phần sinh viên đăng ký ngành Tôn giáo học hiện nay thường lớn lên trong những gia đình có truyền thống về tôn giáo, bản thân đã từng tham gia vào các hoạt động tôn giáo; một số thì thích tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu. Ít sinh viên lựa chọn ngành này vì mục tiêu phục vụ công tác sau này.
Về cơ hội nghề nghiệp, sinh viên ngành Tôn giáo học ra trường có thể đảm nhận: Giảng viên giảng dạy các lĩnh vực liên quan đến tôn giáo; Cán bộ nghiên cứu tôn giáo tại các viện, trung tâm, tổ chức NGO (tổ chức phi chính phủ); Cán bộ chuyên trách tôn giáo ở các cấp chính quyền; Phóng viên, biên tập viên về tôn giáo; Làm việc tại các công ty du lịch…
Ngành Kỹ thuật không gian là ngành đào tạo về ứng dụng công nghệ vệ tinh, bao gồm xử lý và phân tích tín hiệu, hình ảnh, công nghệ viễn thám, và định vị vệ tinh. Công nghệ vệ tinh áp dụng đa dạng trong đời sống xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường, lãnh thổ, biển đảo và an ninh – quốc phòng.
Cơ hội việc làm đa dạng nhưng ngành Kỹ thuật không gian vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía học sinh và phụ huynh do vẫn còn là ngành khá mới mẻ và đặc thù. Khi nhắc đến không gian, nhiều người sẽ nghĩ đến tàu vũ trụ, vệ tinh ngoài không gian, khiến ngành học này chưa thực sự phổ biến và được nhiều bạn trẻ tìm hiểu.
Ở Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực ứng dụng Kỹ thuật không gian, đặc biệt các ứng dụng của công nghệ vệ tinh trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay. Các nguồn dữ liệu lớn từ vệ tinh là nguồn tài nguyên số quan trọng hỗ trợ công tác quản lý của nhà nước và doanh nghiệp.
Ví dụ, về công nghệ viễn thám, việc khai thác các ảnh chụp từ vệ tinh giúp quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo. Đây được xem là công cụ quản lý hiệu quả của các cơ quan nhà nước, như các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…
Riêng về công nghệ định vị vệ tinh, các ứng dụng quản lý các đối tượng di động theo thời gian thực dựa trên công nghệ định vị đang được triển khai trong nhiều lĩnh vực an ninh quốc phòng, giao thông vận tải, giám sát nguồn dịch bệnh hay y tế dự phòng,…
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm ở các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng cao các vị trí phát triển ứng dụng định vị trên thiết bị di động. Một số công ty ứng dụng dịch vụ vận chuyển có thể kể đến: Taxi Xanh SM, Grab,...
Việt Nam học là ngành khoa học nghiên cứu toàn diện về đất nước và con người Việt Nam như: Văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ, trang phục... Sau khi ra trường, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí công việc như hướng dẫn viên du lịch; nhân viên marketing, thuyết minh viên; phóng viên, biên tập viên; hướng dẫn viên du lịch hay quản trị lữ hành. Ngoài ra, bạn cũng có thể theo đuổi hướng giảng dạy.
Hiện tại, có vài trường đào tạo ngành Việt Nam học là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia HN), ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM)... . “Là một ngành mà 10 người nghe thì 9 người hỏi học xong ra làm gì”, “ngành này hình như chỉ người nước ngoài học”... đó là những câu trả lời quen thuộc khi có ai đó hỏi về ngành Việt Nam học trên các diễn đàn, hội nhóm về các trường đại học.
Ngành Công tác xã hội không phải ngành mới nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu sâu về ngành này và đa phần vẫn cho đây là công việc "từ thiện" chưa có suy nghĩ đây là một ngành nghề chuyên nghiệp. Đây là ngành có nhiệm vụ đặc biệt so với những ngành nghề khác vì người làm công tác xã hội có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho những người không may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong cuộc sống. Đối tượng cần giúp đỡ có thể là người khuyết tật, trẻ em, người già, người có bệnh nan y, người nghèo…
Ngoài kiến thức chuyên môn, người làm công tác xã hội cần có: EQ cao, tính kiến nhẫn, trung thực, biết lắng nghe… Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Công tác xã hội thường làm việc tại các cơ sở do chính phủ hoặc phi chính phủ quản lý. Do đó, mức lương của ngành này có thể không cạnh tranh so với các ngành nghề khác.
Ngành Công tác Thanh Thiếu niên là ngành học đào tạo cán bộ làm công tác thanh thiếu niên nắm vững hệ thống kiến thức, kỹ năng công tác thanh thiếu niên; có khả năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với các cấp uỷ Đảng và chính quyền về các chính sách liên quan đến thanh thiếu niên.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chủ yếu làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, nhiều người nhận định cơ hội việc làm chưa cao, chủ yếu thu hút những bạn trẻ có truyền thống gia đình làm việc trong lĩnh vực này.
Các ngành học thuộc lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản ít người học là do sinh viên nghĩ rằng học về chỉ làm công việc chăn nuôi, trồng trọt, làm rừng - đây đều là những công việc được nhiều người cho là vất vả, thu nhập không ổn định. Nhưng trên thực tế, sau khi ra trường các bạn có thể làm ở vị trí chuyên viên nghiên cứu, nhân viên kỹ thuật, nhà phân tích thị trường, chuyên viên bảo vệ... Đồng thời, những ngành học này yêu cầu người học phải có nhu cầu, đam mê thực sự, vì khá vất vả.
Trong nhiều năm trở lại đây, nhóm ngành kỹ thuật, khoa học cơ bản luôn trong tình trạng "khát" nhân lực, nhưng lại khó tuyển sinh đầu vào và ngành Kỹ thuật địa chất cũng không ngoại lệ. Nguyên nhân là bởi xã hội, phụ huynh, học sinh còn nhiều định kiến, cho rằng các nhóm ngành khoa học, kỹ thuật vất vả, khó xin việc, thu nhập không cao bởi vậy điểm chuẩn của ngành này ở các trường ĐH cũng tương đối thấp. Ngoài ra, ngành Kỹ thuật địa chất là một ngành hẹp, không phải là ngành được biết đến quá rộng rãi, điều này có thể làm giảm sự quan tâm và hiểu biết của thí sinh về ngành nghề này.
Khi thực hiện công tác trắc địa kỹ thuật, trước kia, chúng ta phải dùng thiết bị thô sơ thì hiện nay, hoàn toàn có thể xử lí trên hệ thống điện tử. Do đó, công việc, ngành nghề, lĩnh vực kĩ thuật không quá vất vả như chúng ta thường nghĩ. Những sinh viên tốt nghiệp, ra trường, được doanh nghiệp chào đón, cơ hội việc làm rộng mở.
Xem thêm: |
WY